Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Tâm sự về cuộc sống những dòng sông khát nước và thảm cảnh mùa lũ

Ví như mới đây, một đập thủy điện ở Hà Tĩnh đã bất ngờ xả lũ, khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập, giám đốc thủy điện quả quyết: “Tôi đã xả đúng quy trình”, “đàn anh” được tin đã vô cùng bàng hoàng, lo lắng và bức xúc, yêu cầu rút kinh nghiệm lần sau.

Có bao giờ bạn thấy lòng mình chùng xuống khi đi ngang qua những dòng sông khát nước? Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao những dòng sông với chiều rộng hàng trăm mét nhưng thậm chí nước không còn chảy? Lòng sông trơ trọi với đá sỏi, bờ sông vàng vọt với cây cối hoang tàn, bụi bặm. Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi cho mình và tìm hiểu, hay thay vì làm điều đó, bạn chỉ liên tục “check in” và tặc lưỡi:” Chà, năm này hạn quá!”

Bạn đang áp lực trong công việccuộc sống hoặc gia đình. Đừng lo, hãy tham khảo các bài học cuộc sống và bí quyết sống chuẩn nhất giúp bạn lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống nhanh nhất!!!

Dân quê khóc than với những thửa ruộng nứt nẻ vì thiếu nước, những mảnh đất bỏ hoang vì ngập mặn. Rồi trong một ngày đẹp trời nào đó vắng những cơn mưa, bỗng dưng nước ở đâu tràn xuống và ngập tới cả đầu gối. No dồn, đói góp, hạn thì nước thiếu càng thiếu, lụt thì nước đã dâng cao, vậy mà không biết nước ở đâu ra đổ ào ạt tới làm ngập tới tận mái nhà.

Những dòng sông biếc xanh, trong trẻo, những dòng sông một thời đi vào thi thơ nhạc họa ngày ấy đâu rồi? Nếu ngày xưa tôi tự hào vì Quảng Ngãi quê mình có ngọn núi Ấn, sông Trà thì nay tôi đã quên rồi, sông Trà chẳng còn gì ngoài những triền cát sỏi chạy dài vô tận với đám cây bụi gai góc và xấu xí. Còn ĐakLak nơi tôi vốn nổi tiếng với dòng Serepok chảy ngược hùng vỹ, nay, trớ trêu thay, người ta nói rằng sông Serepok tự dưng “hiền hòa, êm dịu” đến lạ lùng…

Tại sao vậy? Ở đâu ra thế? – Những con đập thủy điện.

Trong ngành công nghiệp năng lượng, thủy điện được coi là lạc hậu. Ở những nước phát triển, người ta đã phá bỏ và chỉ giữ lại những công trình thủy điện lớn, phải đảm bảo được dòng chảy hạ du và đảm bảo được cho hệ sinh thái thủy sinh, cũng như cây cối và những thứ liên quan khác. Việt Nam còn nghèo, đồng ý buộc phải khai thác thủy điện chứ chưa có vốn cho điện nguyên tử hoặc các công nghệ tiên tiến khác. Tuy nhiên, khai thác như thế nào, đó chính là vấn đề.


Xây trên sự bức xúc và trái với lòng dân, liệu có đúng? Xây dựng nhưng lại để cho ruộng dân nứt nẻ, ngập mặn, liệu có đúng? Có quá nhiều những đập thủy điện nhỏ, thuộc tư nhân, không đảm bảo, thậm chí còn chiếm đất rừng, đất trồng lúa, đất nương rẫy để xây dựng. Tuy nhiên, hiệu quả thấp mà hậu quả thì lại nặng nề. Ai cho phép những nhà máy thủy điện ấy mọc lên? Đau đớn thay khi nghe chuyện hàng chục ngàn người dân quê tôi năn nỉ đừng xây thêm thủy điện, nhưng vì cái lợi trước mặt, họ vẫn phớt lờ.

Trên thực tế, gần như những hồ chứa thủy điện ở miền Trung không đủ dung tích phòng lũ, không có nhiệm vụ chống lũ mà đơn thuần chỉ để phát điện. Bởi thuộc tư nhân, họ chỉ tính toán đủ để sinh lời, hơi đâu mà xây cho to để mà chống lũ? Câu chuyện “thủy điện xả lũ, dân lãnh đủ” dường như đã quá quen thuộc. Nhưng thiết nghĩ, với tình trạng lũ lụt mà khúc rụt miền trung năm nào cũng phải gánh chịu thì đó là tội ác. Hạn thì không chịu xả một giọt cho dân làm ăn, lũ thì đè đầu xả xuống cho dân è cổ mà hứng trọn. Vì thủy điện mà dân hạ lưu khốn đốn, bầm dập biết bao nhiêu…

Tất nhiên, lụt không phải tất cả là do thủy điện, nhưng với hệ thống thủy điện chằng chịt, “tùm lum tà la” với hiệu quả kém, an toàn thấp chẳng phải đó là thảm họa hay sao? Còn về lũ lụt, với riêng tôi và cách nhìn có lẽ thiển cận của tôi, ngoài những lý do mặc định ra thì lý do thứ nhất là rừng, thứ hai là thủy điện, thủy điện là thứ đã tăng thêm độ thơ mộng cho nhân dân miền trung những ngày bão lũ.

Dẫu biết những con đập này đã xây dựng “đúng quy trình” cả rồi, nhưng giá như khi xây dựng “họ” làm đúng quy trình thêm chút nữa, tham khảo ý kiến người dân, nghiên cứu kỹ lưỡng thì mọi chuyện đã khác. Còn trước khi xả lũ, chỉ cần báo cho người dân sớm hơn một chút để chuẩn bị đối phó thì mọi thứ đã tốt đẹp hơn rất nhiều.


Ví như mới đây, một đập thủy điện ở Hà Tĩnh đã bất ngờ xả lũ, khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập, giám đốc thủy điện quả quyết: “Tôi đã xả đúng quy trình”, “đàn anh” được tin đã vô cùng bàng hoàng, lo lắng và bức xúc, yêu cầu rút kinh nghiệm lần sau.

Liệu một ngày không xa nào đó, những con sông xưa có được khoác vào bộ áo xanh thơ ngày cũ? Liệu một ngày nào đó trên những chuyến đi của riêng mình, tôi, bạn, chúng ta có thể thôi thấy mặn trong lòng bởi những giọt nước mắt miền trung? Ngày đó chắc lẽ sẽ có, nhưng âu còn xa lắm, chưa kể nhiều con sông đã thực sự chết. Chuyện sẽ thế nào, một phần phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Nhưng chỉ một phần thôi, còn những phần còn lại?

Những phần khác phụ thuộc vào yếu tố “con người”, khi “họ”, những kẻ chúng ta vẫn thường nghe, thường thấy, khi “họ” cũng là con người, thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Giá như xung quanh chúng ta chỉ có động vật, thực vật và con người thì hay biết mấy…
Thưởng Thức Cuộc Sống
Ký Năng Sống 
Giao Tiếp
Cửa Sổ Tâm Hồn
Thích Nghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét